Trang chủNhà nông cần biếtTuyến trùng gây hại cây trồng - Nhận Biết Và Biện Pháp...

Tuyến trùng gây hại cây trồng – Nhận Biết Và Biện Pháp Phòng Trừ (P1)

TIN MỚI NHẤT

Tuyến trùng gây hại cây trồng – mối nguy hại tiềm ẩn

Tuyến trùng là mối đe dọa gây hại đến sự phát triển của cây trồng  tuy không mới nhưng vẫn còn khá xa lạ với nhiều nông dân. Kích thước siêu nhỏ khiến chúng khó quan sát bằng mắt thường, nhưng tác hại mà chúng gây ra lại vô cùng lớn và chúng có thể sinh sôi nảy nở với số lượng lớn trong đất, gây hại cho rễ cây và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất (có thể lên đến hàng nghìn con/100g đất) , chúng âm thầm tấn công và làm suy yếu hệ thống rễ của cây trồng. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như cây còi cọc, vàng lá, giảm năng suất và nguy hiểm hơn, tuyến trùng còn tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh khác xâm nhập, gây ra nhiều bệnh hại phức tạp thậm chí chết cây, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho người nông dân, đặc biệt là trong các vụ trồng rau màu.

Tuyến trùng gây hại trên rễ lúa và bông huệ:

1.Tuyến trùng là gì?

Tuyến trùng là những vi sinh vật có kích thước siêu nhỏ ,có khoang cơ thể nguyên sinh, có ống tiêu hóa nhưng chưa có hệ tuần hoàn và hô hấp thuộc ngành Giun tròn, chỉ quan sát được dưới kính hiển vi. Chúng sở hữu một cơ thể dài, thon và không phân đoạn, không có xương sống . Mặc dù kích thước khiêm tốn, tuyến trùng lại có số lượng loài cực kỳ đa dạng và phân bố rộng khắp trên trái đất, bao gồm cả môi trường đất, nước ngọt, nước mặn và ngay cả bên trong cơ thể các sinh vật khác.

Ảnh ấu trùng pratylenchus gây hại trên cây bưởi chụp ở vật kính 10x

 

1.1 Phân nhóm tuyến trùng trong nông nghiệp:

Trong nông nghiệp, tuyến trùng được chia thành hai nhóm chính:

  • Tuyến trùng có lợi: Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy chất hữu cơ, cải thiện độ phì nhiêu của đất và kiểm soát các loài sâu bệnh hại.
  • Tuyến trùng có hại (nhóm kí sinh thực vật) : Đây là nhóm tuyến trùng gây ra nhiều thiệt hại cho cây trồng. Chúng tấn công vào bộ phận rễ, thân và lá của cây, gây ra các triệu chứng như: vàng lá, rễ sưng, cây còi cọc, giảm năng suất và thậm chí chết cây.
1.2 Vòng đời điển hình của tuyến trùng: Sự biến đổi phức tạp

Vòng đời của tuyến trùng thường trải qua 6 giai đoạn chính: trứng, 4 giai đoạn ấu trùng và giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành mỗi giai đoạn và tổng thời gian của vòng đời có thể khác nhau rất nhiều giữa các loài, tùy thuộc vào điều kiện môi trường và loại cây ký chủ.

Giai đoạn trứng: Trứng tuyến trùng thường có hình bầu dục hoặc tròn, được bao bọc bởi một lớp vỏ cứng để bảo vệ phôi bên trong.

  • Giai đoạn ấu trùng: Ấu trùng trải qua 4 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn có kích thước lớn hơn giai đoạn trước. Thông thường, ấu trùng tuổi 2 là giai đoạn gây hại chính của tuyến trùng.
  • Giai đoạn trưởng thành: Khi đạt đến giai đoạn trưởng thành, tuyến trùng có khả năng sinh sản.
1.3 Sinh sản của tuyến trùng:

Tuyến trùng kí sinh thực vật thường có hai hình thức sinh sản chính:

  • Sinh sản đơn tính: Cá thể tuyến trùng tự nhân bản mà không cần sự giao phối.
  • Sinh sản lưỡng tính: Cả tuyến trùng đực và cái đều tham gia vào quá trình sinh sản.
1.4 Nơi đẻ trứng của tuyến trùng :

Trứng tuyến trùng có thể được đẻ ở nhiều vị trí khác nhau:

  • Trong đất: Nhiều loài tuyến trùng đẻ trứng trực tiếp vào đất xung quanh rễ cây.
  • Trong mô thực vật: Một số loài tuyến trùng đẻ trứng bên trong mô thực vật, tạo thành các u cục hoặc túi trứng.
  • Trong túi gelatin: Một số loài tuyến trùng cái tiết ra một lớp chất nhầy bao bọc trứng, tạo thành túi gelatin. Mỗi túi có thể chứa hàng trăm hoặc hàng nghìn trứng.
1.5 Sự sống sót của trứng tuyến trùng:

Trứng tuyến trùng có khả năng sống sót trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Khi điều kiện không thuận lợi, trứng có thể chuyển sang trạng thái ngủ nghỉ và tồn tại trong đất nhiều năm. Một số loài tuyến trùng có trứng có thể nở tự do trong nước khi gặp điều kiện thích hợp.

2. Phân loại tuyến trùng dựa trên vị trí ký sinh

Người ta thường chia tuyến trùng thành 3 nhóm chính dựa trên vị trí chúng ký sinh trên cây trồng:

2.1 Tuyến trùng nội ký sinh:
    • Đặc điểm: Chúng sống bên trong mô thực vật, thường là rễ.
    • Tác hại: Gây ra các triệu chứng như sần rễ, u cục, làm cho rễ cây bị biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng của cây.
    • Ví dụ: Tuyến trùng sần rễ (Meloidogyne spp.)

2.2 Tuyến trùng ngoại ký sinh:
    • Đặc điểm: Chúng sống bên ngoài bề mặt rễ hoặc thân cây.
    • Tác hại: Hút dịch tế bào từ bề mặt rễ, gây ra các triệu chứng như vàng lá, rụng lá, cây sinh trưởng kém.
    • Ví dụ: Tuyến trùng Tylenchus spp.

2.3 Tuyến trùng bán nội ký sinh:
    • Đặc điểm: Chúng có thể sống cả bên trong và bên ngoài mô thực vật. Ban đầu, chúng sống bên ngoài rễ, sau đó chui vào bên trong để đẻ trứng và hút chất dinh dưỡng.
    • Tác hại: Gây ra các triệu chứng tương tự như tuyến trùng nội ký sinh và ngoại ký sinh.
    • Ví dụ: Tuyến trùng Pratylenchus spp.

3. Phân loại tuyến trùng dựa trên hình thái và nguồn thức ăn

Bên cạnh việc phân loại dựa trên vị trí ký sinh, tuyến trùng còn được phân loại dựa trên hình thái phần miệng và nguồn thức ăn chính. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức tuyến trùng tương tác với môi trường và cây trồng.

  • Bacterophagous: Nhóm tuyến trùng này có phần miệng đặc biệt thích nghi để bắt và tiêu thụ vi khuẩn. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy chất hữu cơ trong đất.
  • Fungiphagous: Tuyến trùng thuộc nhóm này chuyên ăn nấm. Chúng có thể giúp kiểm soát các bệnh do nấm gây ra trên cây trồng.
  • Herviphagous: Đây là nhóm tuyến trùng gây hại chính cho cây trồng. Chúng có phần miệng dạng kim tiêm, giúp chúng đâm xuyên vào tế bào thực vật để hút chất dinh dưỡng.
  • Predator: Tuyến trùng ăn thịt có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát số lượng các loài sâu bệnh khác.
  • Omiphagous: Nhóm tuyến trùng này có khả năng thay đổi nguồn thức ăn tùy thuộc vào điều kiện môi trường.

Sự đa dạng về hình thái và nguồn thức ăn của tuyến trùng cho thấy sự thích nghi cao của chúng với các điều kiện môi trường khác nhau. Điều này cũng giải thích tại sao tuyến trùng có mặt ở hầu hết mọi nơi trên trái đất và đóng vai trò quan trọng trong nhiều hệ sinh thái.

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ gây hại của tuyến trùng:
  • Mật độ tuyến trùng: Mật độ tuyến trùng càng cao, mức độ gây hại càng lớn.
  • Giống cây trồng: Mỗi giống cây trồng có mức độ kháng bệnh khác nhau.
  • Điều kiện môi trường: Nhiệt độ, độ ẩm cao thuận lợi cho tuyến trùng phát triển.
5. Biện Pháp Phòng Trị Tuyến Trùng 
5.1 Biện pháp ngăn ngừa
  • Thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời.
  • Kiểm tra nguồn đất, đảm bảo không bị nhiễm tuyến trùng.
  • Cần đánh rảnh thoát nước trong vườn.
  • Chọn lọc giống kỹ hạn chế lây lan nhiễm tuyến trùng từ giống cây.
5.2 Biện pháp canh tác:
  • Tăng cường bổ sung phân hữu cơ đã được ủ hoai mục bằng nấm Trichoderma.
  • Trồng các loại cây có tính kháng tuyến trùng, có thể gây ngộ độc và xua đuổi tuyến trùng (cây họ đậu, cây cúc vạn thọ…).
  • Để cỏ trong vườn nhằm phân tán lực lượng của tuyến trùng, hạn chế việc chúng tấn công vào cây trồng “mục tiêu”.
5.3 Biện pháp sinh học
  • Dùng chế phẩm sinh học CNX-TT, Nấm đối kháng Trichoderma, RV14, Tiêu tuyến trùng 18 EC,… giúp cung cấp vi sinh vật đối kháng có lợi phát triển song song giúp kiểm soát tuyến trùng hại rễ, phòng ngừa nấm bệnh và  tuyến trùng tấn công rễ, giúp phục hồi hệ rễ,…
  • Chế phẩm sinh học CNX-TT có chứa một số vi sinh vật đối kháng như: Paecilomyces spp, Bacillus subtilis, Actinomycetes spp,…
5.4 Biện pháp hóa học
  • Xử lý đất bằng thuốc hóa học có hoạt chất diệt tuyến trùng và nấm bệnh trước khi canh tác.
  • Emamectin , Ethoprophos, Carbosulfan, Chlorpyrifos ethyl: Đây là các hoạt chất có khả năng diệt trừ nhiều loại tuyến trùng, nhưng cũng có thể gây độc cho các sinh vật có ích trong đất như giun đất.
  • Metalaxy, Mancozeb, Fosetyl aluminium: Các hoạt chất này chủ yếu có tác dụng phòng trừ nấm bệnh, nhưng cũng có thể có tác dụng phụ lên một số loại tuyến trùng.
  • Khi cây có biểu hiện bị nhiễm tuyến trùng nặng cần phun các thuốc diệt tuyến trùng và kết hợp hoạt chất sinh học  giúp đảm bảo an toàn cho cây trồng và môi trường đất.
Don`t copy text!